Chủ tịch danh dự Zahng Gil Jah nhấn mạnh: “Chúng ta hãy bỏ đi bản tính ích kỷ và hãy có lòng vị tha”, đồng thời giáo dục về môi trường và vai trò của công dân toàn cầu.

Cũng giống như tòa nhà càng cao thì bóng của nó càng dài, đằng sau kỷ nguyên AI (trí tuệ nhân tạo) tiên tiến được mở ra bởi quá trình công nghiệp hóa, là sự xa lánh giữa con người, sự mất nhân tính và các vấn đề môi trường ngày một nghiêm trọng. Do đó, Tổ chức WeLoveU Quốc tế nỗ lực để thay đổi tính cách, quan điểm và hành vi của mọi người thông qua giáo dục, đồng thời cùng nhau hợp tác để khắc phục những hậu quả tiêu cực của công nghiệp hóa và hướng tới một xã hội phúc lợi nơi mọi người đều được hạnh phúc.

Vào ngày 14/8, “Bài giảng đặc biệt về Giáo dục nhân tính thanh thiếu niên Trường học WeLoveU 2023” đã được tổ chức tại Trung tâm Giáo dục WeLoveU mới mở cửa ở phường Godeung, thành phố Seongnam, Hàn Quốc. Sự kiện này do Tổ chức WeLoveU Quốc tế tổ chức với chủ đề “Tầm quan trọng của nhân tính thanh thiếu niên và vai trò của công dân toàn cầu trong thời đại AI”, nhằm khuyến khích thanh thiếu niên, những nhà lãnh đạo tương lai, có tấm lòng của người mẹ chăm sóc con cái và tăng cường hiểu biết về xã hội và trái đất chúng ta, đồng thời nuôi dưỡng nhân tính tốt đẹp. Khoảng 50 học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông ở thành phố Seongnam đã tham gia chương trình giáo dục nhân tính vừa được mở lại sau đại dịch Covid-19 này để khép lại kỳ nghỉ hè đầy ý nghĩa trước khi năm học mới bắt đầu.

Chương trình giáo dục bắt đầu lúc 10 giờ sáng và kết thúc lúc 3 giờ 30 chiều, được sắp xếp có hệ thống với bài giảng đặc biệt về giáo dục nhân tính của Chủ tịch danh dự Zahng Gil Jah và các bài giảng của các chuyên gia về môi trường và vai trò của công dân toàn cầu. Trong phần “hâm nóng bầu không khí” trước nội dung giáo dục, các học sinh tham gia chương trình đã có thời gian để xích lại gần nhau và chuẩn bị tinh thần thoải mái thông qua trò chơi cân bằng và dán nhãn bày tỏ ấn tượng đầu tiên. Trong giờ nghỉ trưa, nhiều chương trình khác nhau nhằm thúc đẩy sự đồng cảm, làm việc nhóm và tính bền vững đã được chuẩn bị như những sự kiện bên lề để các em học sinh vừa vui chơi vừa học hỏi.

Trong bài giảng đặc biệt diễn ra vào buổi sáng, Chủ tịch danh dự Zahng Gil Jah cho biết “Thanh thiếu niên đang ở độ tuổi tươi đẹp, sôi nổi và tràn đầy năng lượng nhất của cuộc đời, và có thể trưởng thành thành những người đứng đắn và chính trực thông qua việc học hỏi về lời nói, hành động và tư thế tấm lòng ngay thẳng. Nhờ đó, các thanh thiếu niên có thể trở thành những nhà lãnh đạo tương lai tạo nên thế giới hòa bình hơn, vui vẻ hơn và tốt đẹp hơn.” Trích dẫn nhiều minh họa khác nhau như câu chuyện Đồi Bạch Mã trong chiến tranh Hàn Quốc, giai thoại về Alexander Đại đế, ví dụ về người Samari thiện lành trong Kinh Thánh, Chủ tịch Zahng Gil Jah đặc biệt nhấn mạnh với thanh thiếu niên đức tính cần có là lòng vị tha, tức là “tấm lòng coi người khác là trọng hơn mình”. Chủ tịch nói rằng “Lòng vị tha là sự dạy dỗ lớn nhất và là tinh thần của Đấng Christ. Việc hiếu thảo với cha mẹ, yêu thương anh chị em, kính trọng thầy cô và hòa đồng với các bạn đều xuất phát từ lòng vị tha”. Chủ tịch khuyến khích các học sinh nỗ lực để mang lại lợi ích cho người khác và hòa bình cho thế giới thông qua sự tích cực, vui vẻ và hợp tác.

Vào buổi chiều, giáo sư Kang Jeong Won, cố vấn tại Trung tâm giáo dục thường xuyên thuộc trường Đại học Phúc lợi Xã hội Seoul, đã có bài giáo dục về môi trường thông qua chủ đề “Vận hành và tác động của khí hậu đối với thanh thiếu niên trong kỷ nguyên khủng hoảng khí hậu”. Giáo sư Kang giải thích về nguyên nhân của khủng hoảng khí hậu và thực trạng thảm họa thiên tai xảy ra khắp thế giới, đồng thời cho biết: “Thế hệ hiện tại phải bảo tồn môi trường tốt và truyền lại cho thế hệ sau; nếu không, thế hệ tương lai sẽ phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng hơn thế hệ hiện tại gấp nhiều lần”. Giáo sư thúc giục các thanh thiếu niên hãy quan tâm đến môi trường và thực hiện những hành động dù nhỏ bé để bảo vệ môi trường trong sinh hoạt hàng ngày, chẳng hạn như không rác thải (các hoạt động đa dạng nhằm giảm lượng rác thải để bảo vệ môi trường) và tiết kiệm nước nhằm khắc phục khủng hoảng khí hậu.

Bài giảng cuối cùng là nội dung giáo dục vai trò của công dân toàn cầu của ông Yi Bae Geun, chủ tịch Hiệp hội phòng chống lạm dụng và ngược đãi trẻ em Hàn Quốc. Ông Yi nhấn mạnh tầm quan trọng của lòng dũng cảm, sự chia sẻ và quan tâm của các công dân thông qua những câu chuyện như “Những nhà tư sản ở Calais” (The Burghers of Calais), “Biển Galile và Biển Chết”, “Gia huấn của người giàu ở Gyeongju” và “Người đàn ông trồng cây” (The Man Who Planted Trees). Ông kết thúc bài giảng bằng cách bày tỏ lòng cảm ơn đến các học sinh đã tập trung vào chương trình giáo dục và nói “Tôi mong rằng các bạn sẽ dẫn dắt tương lai của Hàn Quốc và thế giới đến con đường đúng đắn với sự sáng tạo bằng cách sống cuộc đời ngay thẳng và tốt đẹp.”

Các học sinh tham gia giáo dục đã ghi chép cẩn thận và lắng nghe với thái độ nghiêm túc. Tất cả các em đều có chung một nhận xét “Đó là cơ hội tuyệt vời để chúng em suy nghĩ về lòng vị tha” và “Thật hữu ích khi tìm hiểu sâu sắc về nhiều chủ đề khác nhau và biết cụ thể những việc chúng em nên làm cho môi trường và cho người khác”. Nhiều học sinh vẫn đang thực tiễn công việc thiện lành, phụng sự tình nguyện và các hoạt động bảo vệ môi trường trong sinh hoạt thường nhật. Yang Kyung Hwa (học sinh lớp 11) phát biểu: “Em thường tham gia các hoạt động làm sạch trường học với các bạn cùng lớp và em muốn học chuyên ngành kỹ thuật môi trường và làm việc có ích cho nhân loại”. Kwon A Rim (học sinh lớp 10) nói rằng bản thân đã giúp đỡ các bạn bị khuyết tật về thể chất hoặc gặp khó khăn trong học tập, và bày tỏ mong muốn của mình: “Trong tương lai, em muốn được làm việc trong lĩnh vực yêu thích đồng thời giúp đỡ được nhiều người.” Jeon Hyo Eun (học sinh lớp 11) cho biết: “Em đã tham gia hoạt động dọn dẹp suối Tancheon do WeLoveU tổ chức và đó là một trải nghiệm đầy ý nghĩa; em cảm thấy tự hào khi đã giúp trái đất trong lành. Thông qua chương trình giáo dục này, em đã học được ý nghĩa thực sự của nhận thức công dân, đó là nỗ lực giúp đỡ những người khác và trái đất, ngay cả khi việc đó không mang lại lợi ích trực tiếp cho bản thân em.”

Những thanh thiếu niên tham gia giáo dục nhân tính đã thể hiện tinh thần sẵn sàng thực tiễn những nội dung đã được học. Park Hee Jin (học sinh lớp 9) bày tỏ: “Em nhận ra người mà em ít quan tâm nhất cho đến giờ chính là mẹ của em. Từ giờ em sẽ quan tâm đến mẹ” và thể hiện quyết tâm trưởng thành của mình. Kim Jae Won (học sinh lớp 9) rất xúc động trước tấm lòng quan tâm đến người khác trong câu chuyện Đồi Bạch Mã được chia sẻ trong buổi giáo dục và nói rằng: “Từ giờ em sẽ quan tâm đến các bạn và giúp đỡ các công việc ở nhà.” Jeon Hye Rin (học sinh lớp 11) cho biết: “Em có niềm tin rằng em cũng có thể trở thành nhà hoạt động môi trường học sinh giống như Greta Thunberg nếu em bắt đầu thực tiễn từ những việc nhỏ như tái chế và tiết kiệm năng lượng”.

Từ năm 2011 cho đến khi xảy ra đại dịch, Tổ chức WeLoveU đã 10 lần tổ chức chương trình giáo dục nhân tính. Bắt đầu với việc mở cửa trung tâm giáo dục trong năm nay, WeLoveU có kế hoạch phổ biến rộng rãi hơn nữa hoạt động giáo dục nhân tính thanh thiếu niên, giáo dục cha mẹ, giáo dục môi trường và giáo dục công dân toàn cầu trong tương lai nhằm lan tỏa giá trị chung sống và mang lại sự thay đổi có ý nghĩa trên thế giới .